Ra mắt sách về tinh thần đoàn kết Việt Nam và nhân dân châu Á - Phi - Mỹ Latinh

Ra mắt sách về tinh thần đoàn kết Việt Nam và nhân dân châu Á - Phi - Mỹ Latinh

Sáng 12/6, tại Hà Nội, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ La-tinh tổ chức cuộc Tọa đàm ra mắt cuốn sách “Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh: Những chặng đường, những người bạn”.

Đây là một trong những hoạt động tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển (1975 - 2025) và các ngày lễ lớn của đất nước trong các năm 2024, 2025; kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ủy ban (19/10/1956 - 2026). Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên tham dự cuộc Tọa đàm ra mắt sách.

PGS,TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại cuộc tọa đàm.

789,BETPhát biểu mở đầu cuộc Tọa đàm, PGS,TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh nêu rõ: Giữa thế kỷ XX, mâu thuẫn giữa các nước, các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân được đẩy lên một bước mới, rất gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bùng nổ mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các nước châu Á và châu Phi, kéo theo sự ra đời của nhiều tổ chức hoạt động vì mục tiêu hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, độc lập dân tộc, tiến bộ và công bằng xã hội.

Giữa năm 1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam đã buộc nước Pháp phải ký Hiệp định Geneva, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ không chỉ của Việt Nam mà cả với hai nước trên bán đảo Đông Dương là Lào và Campuchia.

Chỉ mấy tháng sau, ngày 1/11/1954, những người yêu nước Algeria đồng loạt tấn công các trụ sở cơ quan và mục tiêu quân sự của Pháp ở nước này, buộc chính phủ Pháp sau đó tuyên bố từ bỏ “Algeria là của nước Pháp”, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Algeria, chấm dứt sự thống trị 132 năm của Pháp tại đây.

Như một phản ứng dây chuyền Domino, ngay sau Algeria, các nước thuộc địa của Pháp như: Guinea, Mali, Madagascar, Cameroon, Tunisia…cũng dấy lên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc Pháp phải trả lại nền độc lập cho các nước này. Chỉ tính từ 1954-1960, tại Lục địa đen, đã có tới 17/22 nước giành được độc lập, với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh đó, năm 1957, Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO) được thành lập. Sự ra đời của Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO) đáp ứng khát vọng nóng bỏng và chính đáng của nhân dân các nước bị áp bức, bóc lột khu vực châu Á, châu Phi và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân các nước trên thế giới.

Xuất phát từ truyền thống dựng nước, giữ nước lâu đời của dân tộc Việt Nam; hòa chung vào dòng chảy mạnh mẽ của thời đại, gắn sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới, ngày 19/10/1956, Ủy ban Đoàn kết Châu Á của Việt Nam (nay là Uỷ ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ La tinh) ra đời và trở thành một trong những thành viên sáng lập và hoạt động tích cực của AAPSO.  

Trải qua gần 70 năm hình thành và phát triển, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh; tích cực vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ nhiều mặt của nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh nói riêng và nhân dân toàn thế giới nói chung với Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân khu vực và thế giới.

Tự hào về những nỗ lực và thành tựu của Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh đã đạt được trong gần 70 năm qua; với lòng kính trọng, sự tri ân sâu sắc đối với lãnh đạo và nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh; tự hào, biết ơn các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên của Ủy ban và bạn bè, đối tác của Ủy ban, Ban Thường vụ Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh đã chỉ đạo việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh: Những chặng đường, những người bạn”.

Ông Phạm Văn Chương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh, giới thiệu về cuốn sách.

Giới thiệu và chia sẻ về nội dung cuốn sách, ông Phạm Văn Chương, nguyên Chủ tịch Ủy ban cho biết, cuốn sách “Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh: Những chặng đường, những người bạn” ra mắt bạn đọc bằng hai thứ tiếng - tiếng Việt và Tiếng Anh, có độ dày gần 330 trang.

Phần I của cuốn sách nói về, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đoàn kết quốc tế, đoàn kết nhân dân. Phần này có trích đăng những trang xúc động trong Hồi kí “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO). Chương II, Quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh; Phần III, Các tổ chức Đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh  liên khu vực và quốc gia; Phần thứ IV, Hợp tác Việt Nam - Châu Phi qua các thời kỳ; Phần thứ V và VI giới thiệu các vị lãnh đạo Ủy ban và các gương mặt tiêu biểu.

Người đọc được lôi cuốn qua các trang viết về lịch sử ra đời của Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO), của Ủy ban Đoàn kết Châu Á của Việt Nam, sau này là Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh; về những nhà hoạt động quốc tế sôi nổi, nhiệt huyết, xả thân của Ben Barka (người Maroc); của Chủ tịch Cuba Fidel Castro; nhà cách mạng Che Guevara; Tổng thống  Algeria Abdelaziz Bouteflika; nhóm du kích Venezuela bắt con tin Mỹ để giúp Việt Nam có thể cứu Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi…Là các cuộc xuống đường ủng hộ Việt Nam chống xâm lược Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, kể cả trong lòng nước Mỹ; phong trào ủng hộ Việt Nam hàn gắn vết thương sau chiến tranh, xóa bỏ bao vây, cấm vận…

Trong phần trao đổi, nhận xét, đánh giá về cuốn sách, các đại biểu hoan nghênh việc biên soạn và xuất bản cuốn sách, cho rằng cuốn sách làm nổi bật những chặng đường đáng nhớ, những người bạn quốc tế thủy chung, nghĩa tình hơn hai phần ba thế kỷ hình thành và phát triển của Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh; những đóng góp của Ủy ban đối với mục tiêu hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững trong khu vực Á - Phi - Mỹ Latinh nói riêng và thế giới nói chung.

Cuốn sách có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục không chỉ đối với thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau, giúp chúng ta nhìn lại quá khứ hào hùng; phát huy những thành tựu và bài học quý giá như là hành trang không thể thiếu để đi tới tương lai tốt đẹp.

Minh An
Trước:Cháy lớn giữa nắng nóng, nhiều người hoảng loạn tháo chạy
Kế tiếp:Dự báo thời tiết 10 ngày từ 12/6 đến 21/6 cho Hà Nội và cả nước